Healthy Eating – Đại dịch COVID-19 không chỉ là bức tranh màu tối, ở một góc độ nào đó, điều tích cực chính là ý thức sức khỏe của người Việt ngày càng tăng cao. Theo nghiên cứu chỉ ra rằng, trong suốt thời gian dịch bệnh xu hướng thảo luận về chủ đề sống lành mạnh, ăn uống healthy, thực phẩm hữu cơ,… ngày càng tăng.
Không chỉ dừng lại ở việc ăn kiêng và tập thể dục hàng ngày, tiêu chuẩn sống “healthy và balance” ngày càng được nâng cấp và trở nên toàn diện hơn. Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến những thứ họ ăn, cách chúng được làm ra và nguyên liệu có trong chúng. Điều này chứng minh rằng, sống lành mạnh không phải một xu hướng nhất thời mà là một nhu cầu mang tính bền vững. Vậy xu hướng này đã thay đổi mô hình kinh doanh nhà hàng như thế nào? Cùng Minh Đức Tech & Media tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Tại sao Healthy Eating lại trở thành xu hướng?
1.1. Healthy Eating – Chìa khóa vàng để có cơ thể khỏe mạnh
“Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng đi ra”.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 90% bệnh tật đến từ thói quen ăn uống không lành mạnh. Nhiều người đang ăn uống một cách “vô tội vạ” và thậm chí không hề có khái niệm kiểm soát chất lượng thực phẩm mà mình tiêu thụ.
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu ăn uống ngày càng nâng cao, đặc biệt khi phải đối mặt với mối lo ngại về thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Các bà mẹ Việt không khỏi đau đầu suy nghĩ lựa chọn “Ăn gì tốt cho sức khỏe?” hay “Làm thế nào để mua được đồ đảm bảo chất lượng?”.
Người tiêu dùng Việt đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ăn “sạch” và đòi hỏi cao hơn về chất lượng của các thực phẩm mà họ ăn. Có tới 70% người Việt chú ý tới các thành phần trong thực phẩm, thức uống và họ cũng muốn biết về nguồn gốc tạo nên thực phẩm đó. Bởi vậy, không khó để lý giải việc sản phẩm sạch có nguồn gốc từ thiên nhiên ngày càng có sức hút mạnh mẽ với những gia đình theo đuổi lối sống xanh.
1.2. Đại dịch COVID-19 đã định hình xu hướng ăn uống mới
Tác động của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều khía cạnh trong cuộc sống bao gồm cả thói quen ăn uống, nhận thức về chế độ ăn uống lành mạnh đối với sức khỏe.
Xu hướng tự nấu ăn nhiều hơn
Giãn cách xã hội, hạn chế ăn uống ở hàng quán, tụ tập đông người khiến việc nấu ăn tại nhà được ưa chuộng hơn. Theo tổ chức dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Mỹ FMI Foundation, 40% người được khảo sát nói rằng họ có xu hướng tự nấu ăn nhiều hơn so với thời điểm trước đại dịch.
Thói quen tự nấu nướng ở nhà cũng bởi vậy được chăm chút với chất lượng bổ dưỡng hơn. Không chỉ vậy, nhu cầu tiêu thụ trái cây và rau củ xanh cũng tăng lên. Đáng chú ý, những người thường xuyên nấu ăn ở nhà giảm 28% nguy cơ thừa cân và 24% mỡ thừa trong cơ thể.
Dùng món ăn để “xoa dịu tâm hồn”
Với ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu, áp lực công việc và cuộc sống gia đình thì thực phẩm là một làn gió mới mang đến cảm giác dễ chịu. Một cuộc thăm dò cho thấy xu hướng tiêu thụ đồ ăn để “xoa dịu tâm hồn” tăng vọt trong thời điểm này.
Điều này khiến nhiều người bị tăng cân, đặc biệt với những người có thói quen mua hàng online và đặt đồ ăn giao tận nhà. Bởi vậy, cần áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và vận động thể chất để đảm bảo sức khỏe tốt.
Quan tâm hơn đến thực phẩm tăng cường miễn dịch
2020 là thời điểm doanh số các sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ miễn dịch tăng 51% so với năm 2019. Mọi người có xu hướng quan tâm đến các loại thực phẩm tăng cường miễn dịch hơn. Một chế độ giàu chất xơ gồm rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt,… sẽ cung cấp các dưỡng chất thiết yếu như vitamin C, kẽm và selen giúp tối ưu hóa khả năng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.
Chế độ ăn thực vật ngày càng được ưa chuộng
Thời điểm dịch bệnh là lúc nhiều người chuyển sang dự trữ thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc thực vật, từ trái cây, rau củ cho đến đồ đóng hộp, mì gói,… Đây là những thực phẩm gần gũi, dễ mua, bảo quản được lâu,… nên cũng trở thành xu hướng sức khỏe trong suốt năm 2020.
2. Xu hướng Healthy Eating đã thay đổi mô hình kinh doanh nhà hàng như thế nào?
Xu hướng ăn sạch, lành mạnh lan tỏa kéo theo nhu cầu thực phẩm tự nhiên, rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng gia tăng. Nhiều gia đình sẵn sàng “đầu tư” để có một bữa ăn an toàn và tốt cho sức khỏe. Đó chính là lý do khiến xu hướng nhà hàng có sự thay đổi mạnh mẽ.
2.1. Cung cấp thực phẩm có lợi cho sức khỏe
Xu hướng này ngày càng được thể hiện rõ ràng trong các menu của nhà hàng, quán cafe, trà sữa. Thay vì những món ăn giàu calo, chất béo bão hòa thì thực phẩm thực dưỡng, có nguồn gốc từ thực vật, đồ uống từ trái cây tự nhiên,… ngày càng xuất hiện nhiều. Ở một số quán cafe còn phục vụ đồ uống thải độc cơ thể, dưỡng nhan, nước detox hoa quả,… nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Có một xu hướng ăn “sạch” khá thú vị khác đó là nhiều người lựa chọn ăn thực vật để thay thế thịt, không chỉ vì lý do sức khỏe và đạo đức mà bởi vì những chất thay thế này có thể có vị giống thịt thật mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Để đáp ứng xu hướng này, các nhà hàng cần cung cấp đồ ăn, đồ uống vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động, vừa đảm bảo khách hàng có thể nhiều lựa chọn.
2.2. Đảm bảo an toàn thực phẩm
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng và nhà sản xuất thực phẩm. Chất lượng vệ sinh, quá trình bảo quản thực phẩm, quy trình chế biến không đảm bảo là điều tối kỵ với những mô hình ăn uống lành mạnh hiện nay.
Bởi vậy, các nhà hàng cần đầu tư những thiết bị vệ sinh mới, kiểm soát chặt chẽ quá trình xuất/nhập hàng hóa từ nhà cung cấp, quy trình bảo quản và chế biến thực phẩm để mang đến những món ăn và đảm bảo dinh dưỡng.
2.3. Nhà hàng “xanh”, thực phẩm sạch là tiêu chí quan trọng
Theo một khảo sát của Nielsen, cứ 10 người thì 6 người nói rằng họ chỉ mua và ăn thực phẩm đảm bảo sức khỏe, có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Nguồn gốc xuất xứ thực phẩm đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng tác động đến hành vi ăn uống của khách hàng. Họ muốn có thông tin đầy đủ về chất lượng, xuất xứ của nguyên liệu và quy trình chế biến của nhà hàng.
Mô hình nhà hàng Healthy Eating thân thiện với môi trường hiện nay cũng dần trở nên phổ biến. Các chủ nhà hàng chú ý hơn đến việc vận hành của mình ảnh hưởng như thế nào đến môi trường, tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực đến mức thấp nhất. Chẳng hạn như việc hạn chế sử dụng ống hút, đồ đóng hộp nhựa, túi nilon,… Xu hướng nhà hàng “xanh” đang được cộng đồng người tiêu dùng ủng hộ và trở thành một công cụ marketing hiệu quả cho chính nhà hàng.
3. Tạm kết
Healthy Eating đang trở thành một xu hướng mà các thương hiệu F&B không thể bỏ qua trong thời điểm hiện nay. Trong tương lai, xu hướng Healthy và Balance này sẽ tiếp tục bùng nổ và trở thành mảnh đất vàng mà các thương hiệu có thể khai phá. Để có thể thành công, hãy luôn tìm hiểu nhu cầu khách hàng, áp dụng chiến lược tiếp thị thông minh để tồn tại trong thị trường cạnh tranh này.