Khách hàng mục tiêu là nguồn doanh thu chính của mọi nhà hàng kinh doanh ăn uống. Bởi vậy, việc nghiên cứu khách hàng mục tiêu là vô cùng quan trọng.
Hãy cùng Minh Đức Tech & Media khám phá cách để nghiên cứu và phác họa chân dung khách hàng mục tiêu cho các nhà hàng ăn uống nhé!
1. Tại sao phải nghiên cứu đối tượng khách hàng mục tiêu của nhà hàng khi kinh doanh ăn uống?
Nghiên cứu đối tượng khách hàng mục tiêu của nhà hàng khi kinh doanh ăn uống là tìm hiểu về hành vi, sở thích của họ, tính cách khác nhau của tập khách hàng mà bạn nhắm đến để:
- Lên ý tưởng menu quán ăn nhà hàng cho hợp lý.
- Có phong cách trang trí, thiết kế nhà hàng phù hợp.
- Phong cách phục vụ tốt với những khách hàng đó.
- Có thể ứng xử trong những tình huống bất ngờ xảy ra với từng khách hàng.
2. Cách nghiên cứu khách hàng mục tiêu khi kinh doanh ăn uống
Khi kinh doanh ăn uống, nếu bạn vẽ được chân dung khách hàng càng chính xác, chi tiết thì càng giúp cho nhà hàng có thể xác định được dễ dàng khách hàng mục tiêu hơn. Điều này giúp cho nhà hàng của bạn có thể đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp nhất. Tùy vào mục tiêu kinh doanh của nhà hàng mà sẽ có cách phác họa chân dung khách hàng mục tiêu khác nhau.
Khi nghiên cứu, phác họa chân dung khách hàng, bạn có thể dựa vào một trong những yếu tố sau:
- Theo địa lý: Các nhà hàng ăn uống mở ra mục đích là để phục vụ khách hàng xung quanh khu vực đó. Bởi vậy, việc phân chia khách hàng theo từng vùng miền, hay theo tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường… sẽ giúp bạn xác định được các điều kiện và phong cách thiết kế nhà hàng cũng như dịch vụ phù hợp với từng đối tượng.
- Theo nhân chủng học: Với một số công cụ CRM như phần mềm quản lý bán hàng, WIFI Marketing,… bạn có thể xác định và phân chia được các đối tượng khách hàng qua tuổi tác, giới tính, quy mô gia đình, doanh nghiệp, công việc, thu nhập…
- Theo tâm lý khách hàng: Việc phân chia khách hàng dựa trên giai cấp xã hội, sở thích, thói quen, hành vi mua hàng… của khách hàng sẽ giúp bạn xác định đối tượng mục tiêu và cách thức làm vừa lòng đối tượng khách hàng này dễ dàng hơn rất nhiều.
3. Phân loại khách hàng mục tiêu
Nếu như trong kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, khách hàng phần lớn là những người từ các địa phương khác, các quốc gia khác đến, thì trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống khách hàng lại bao gồm cả những người dân địa phương.
Do tính đa dạng về đặc điểm của khách hàng nên khó có thể xác định được duy nhất một thể loại khách hàng đặc trưng cho doanh nghiệp kinh doanh ăn uống mà chỉ có thể xác định được một số loại khách hàng với những nét đặc trưng chung nhất định.
Bởi vậy, trung tâm nghiên cứu chuyên nghiệp về ăn uống và công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm tại Pháp (CCA) đã thực hiện nghiên cứu những loại khách hàng là người châu Âu. Và họ đã xác định, phân loại được 9 kiểu chân dung khách hàng khác nhau mà nhu cầu ăn uống của khách hàng gây ảnh hưởng đến sản phẩm trong kinh doanh ăn uống:
1. Những khách hàng ít ăn ngoài, không bị dao động – thông thường họ là những người trên 45 tuổi, có thu nhập khiêm tốn và thường thích ăn uống ở nhà. Bên cạnh đó họ cũng có thể là những học sinh, sinh viên, vì chưa đủ tài chính nên thường chọn ăn tại nhà.
2. Những người khách hàng tiết kiệm và tính toán – phần lớn là những người cao tuổi, họ thường tiết kiệm và ăn uống cẩn thận, tránh những đồ ăn nhiều calories. Khi kinh doanh ăn uống, với nhóm khách hàng này, dù bạn có gợi ý cho họ vài món nữa thì cũng vô ích.
3. Những người đặc biệt quan tâm đến sức khoẻ – họ là những người có thu nhập cao, sẵn sàng trả bất cứ mức giá nào, miễn là được phục vụ sản phẩm chất lượng cao. Đây có thể là tập khách hàng mục tiêu của eat clean
4. Những người sành ăn – phần lớn họ là những người với nghề nghiệp tự do, có thẩm mĩ cao, thích cái mới. Trong nhà hàng điều hấp dẫn họ không phải chủ yếu là từ cách bài trí hay bầu không khí, mà từ chất lượng của đồ ăn, phong cách phục vụ. Họ không chỉ đến nhà hàng để thưởng thức những món ăn mà họ còn muốn “đánh giá” nhà hàng của bạn.
5. Những khách hàng đơn giản – phần lớn là những gia đình trẻ, có con nhỏ, không có nhiều thời gian ngày thường. Họ thích các món ăn nhanh, cách bài trí đơn giản. Nhóm khách hàng này thường tiếp cận rất dễ. Ngược lại, vào cuối tuần họ chú trọng hơn đến vấn đề ăn uống. Đây là loại khách hàng thể hiện phong cách mới trong hành vi và ngày càng là loại khách hàng phổ biến.
6. Những người dễ ăn uống – loại khách hàng này chiếm số lượng lớn, họ thường không phải là những người giàu có, thích những gia vị mạnh, không chú trọng tới những yêu cầu về ăn uống cân đối.
7. Những người phàm ăn – Chiếm khoảng 25% số lượng khách hàng, hơn 50% trong số họ là dưới 30 tuổi. Họ rất thích đồ ăn nhanh: ngọt và nhiều bột. Họ khó bị thuyết phục bởi quảng cáo về những món ăn đảm bảo sức khoẻ, nhiều rau, hoa quả.
8. Những người thích cái mới lạ – họ là những người thích thử những món ăn mới, lạ, độc đáo. Họ quan tâm như nhau đối với những thực đơn nổi tiếng trong quá khứ, cùng như đối với những thực đơn mới có. Những người này đi ăn ở nhà hàng nhiều hơn nhiều so với những loại khách hàng còn lại.
9. Những người quan tâm đến môi trường – họ quan tâm nhiều nhất đến thực phẩm sạch, đơn giản nhưng bổ dưỡng, quan tâm đến hương vị tinh khiết của sản phẩm.