Khi kinh doanh thời trang, một trong những điều kiện cơ bản nhất để bắt đầu chính là nắm được các cách tìm kiếm khách hàng hiệu quả. Hãy cùng tham khảo 3 chiến lược tối ưu hóa doanh thu đáng quý được Minh Đức Tech & Media chia sẻ dưới đây nhé!
Không hiểu do đâu mà có một sự thật là ở Việt Nam, 10 người bán hàng thì có đến 9 người suốt ngày đau khổ về việc tìm khách hàng mới. Dường như người Việt không bao giờ nghĩ đến việc lôi kéo khách hàng cũ trở lại shop, dù việc đó dễ hơn rất nhiều, nhất là đối với dòng sản phẩm thời trang.
Tư vấn và chăm sóc khách hàng khi kinh doanh thời trang
Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào công thức này:
DOANH THU = LƯỢNG KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG * TỶ LỆ MUA * SỐ TIỀN MUA * SỐ LẦN MUA
Công thức này không phải do em nghĩ ra, mà thế giới nó tổng kết ra như vậy. Các bác cứ ngẫm xem đúng không. Trong đó:
– LƯỢNG KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG (LKHTN) là số người mà ta tiếp cận được
– TỶ LỆ MUA HÀNG (TLMH), tính theo % nghĩa là trong 100 người tiếp cận, có bao nhiêu người thực sự bỏ tiền ra mua (và trở thành khách hàng thực sự)
– SỐ TIỀN MUA (STM) là giá trị trung bình của một đơn hàng
– SỐ LẦN MUA (SLM) là trung bình số lần họ đến mua hàng của chúng ta
Việc cứ cố gắng cày thật nhiều ads để có khách chính là tăng LKHTN. Nhưng thật ra để tăng LKHTN thường tốn khá nhiều chi phí, ví dụ cần tăng gấp đôi bác cũng phải bỏ ra chi phí gấp đôi. Nhưng nếu các bác chịu khó tối ưu 3 yếu tố còn lại gấp đôi, nhiều khi không hề tốn thêm tiền mà doanh thu của các bác dễ dàng tăng gấp 2x2x2 = 8 lần.
Dưới đây là một số mẹo giúp người bán hàng tăng gấp đôi doanh thu, mọi người cùng tham khảo nhé!
Chiến lược 1: Tăng tỷ lệ mua hàng
Hãy tưởng tượng có một khách hàng đang xuất hiện trên website hoặc đứng lơ ngơ trong cửa hàng. Câu hỏi là làm sao để giúp họ ra quyết định mua hàng?
Giảm giá
Đầu tiên, đơn giản nhất và hiệu quả nhất là sale off – khuyến mại. Khuyến mại có 2 kiểu, một là giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, hai là giảm giá theo chương trình. Hầu hết các shop đều giảm giá sản phẩm, bản chất là đề giá niêm yết cao rồi giảm xuống, theo em kiểu này bây giờ không còn hiệu quả lắm, vì khách hàng bị giá ảo nhiều nên họ rất cảnh giác.
Do đó, nếu có giảm thì ta chỉ giảm khoảng 20% sản phẩm trong shop thôi, để cho khách hàng thấy là tôi đang “sale off” thật, chứ không phải “sale off” ảo. Thay vào đó, mình vẫn để nguyên giá, nhưng có các chương trình như mua 2 tặng 1, giảm 15% tất cả đơn hàng, giảm cho khách mua từ 400K, freeship… sẽ thu hút khách tốt hơn vì khách có cảm giác hời thực sự.
Tặng quà
Bên em chủ yếu áp dụng hình thức tặng quà này vì có 3 lợi ích. Một là giá niêm yết vẫn được đảm bảo, không cần sale xuống (khi xuống rồi sẽ rất khó lên trở lại). Hai là mình có thể thoải mái sáng tạo các loại quà tặng khác nhau, từ móc khóa, hộp quà, phụ kiện… cho đến Ba con sói cũng đem ra tặng được, không đợt nào giống đợt nào khiến khách hàng luôn hứng thú, còn nếu “sale off” thì loanh quanh cũng chỉ là giá tiền thôi. Ba là vì quà tặng đó mình mua giá gốc, hoặc tận dụng hàng tồn nên thật ra chi phí bỏ ra ít hơn SALE. Ví dụ bác tặng cái khăn (đang niêm yết 90K) khách rất khoái, nhưng thực ra mình nhập vào có 30K – 40K thôi.
Dùng sự đảm bảo
Khách mua hàng online rất sợ những rủi ro như chất không đẹp, mặc không vừa, màu không giống ảnh.v.v… Chúng ta hãy dùng những sự ĐẢM BẢO đánh bay tâm lý đó, và khiến họ thấy không còn phải lo ngại nữa như: Cho đổi trả thoải mái (shop chịu phí), cam kết hoàn tiền hoặc hoàn 200% tiền nếu là hàng không chính hãng, chế độ bảo hành dài hạn… tùy theo mặt hàng mà các bác cần phân tích xem khách sợ gì nhất thì mình đánh vào đó. Và hãy nhớ là phải thực hiện cam kết nghiêm túc. Thỉnh thoảng sẽ có những đơn hàng bị trả lại, và các bác không thu được gì, nhưng đừng nghĩ cạn như thế. Thực ra chúng ta đã được 2 thứ: Một là rất nhiều đơn hàng thành công khác, hai là niềm tin của một khách hàng tiềm năng, nhất định họ sẽ còn mua hàng của chúng ta trong tương lai nếu thấy shop uy tín.
Kỹ năng tư vấn
Lợi hại là thế nhưng cả 3 chiến thuật nói trên đều thua hết một thứ đó là KỸ NĂNG TƯ VẤN. Cùng sản phẩm và khuyến mại nhưng một nhân viên tư vấn tốt có thể mang lại doanh thu gấp hàng chục lần nhân viên tư vấn kém. Đây cũng là nỗi khổ của nhiều chủ shop khi tự mình tư vấn thì bán được hàng, còn nhân viên tư vấn thì khách chạy hết. Nhưng em xin nói về vấn đề quản lý nhân viên trong dịp khác, bây giờ chỉ nói về kinh nghiệm tư vấn thôi. Muốn tư vấn tốt thì các bác tham khảo mấy kinh nghiệm sau:
1. Thái độ nhiệt tình, niềm nở, trung thực:
Nói về thái độ với khách hàng thì người Việt Nam mình phải tự nhận là tệ hại. Chuyện cãi khách hàng, chê bai khách, quên yêu cầu của khách, trốn tránh trách nhiệm … diễn ra liên tục. Và em xin nói thẳng là thái độ là cái các bác không thể nào thay đổi nhân viên được đâu. Tốt nhất là chọn người có sẵn tính trách nhiệm, niềm nở, vui vẻ. Muốn biết thì thử. Kinh nghiệm xương máu của em là nhân viên nào lễ phép, niềm nở được với shipper và bố mẹ nó thì đó là nhân viên nên dùng.
2. Luôn sẵn sàng phục vụ 24/24:
Phải liên tục nhắc nhân viên: chuông điện thoại kêu là tiền về. Nếu cần đặt luôn quả chuông hotline là “Tiền về, tiền về, nhấc máy lên!” Khi đã cầm hotline thì phải sẵn sàng 2h đêm cũng chiến. Cứ tưởng tượng có người 2h đêm gọi bác dậy để cho tiền thì ngán gì mà không dậy. Về website thì phải cài Livechat, dùng dịch vụ của tawk.to miễn phí mà lại có app mobile không lo mất khách ạ.
3. Cấm cãi khách hàng:
Phải luôn đồng thuận với khách hàng để lấy cảm tình, khách nói gì cứ đồng ý trước rồi giải thích sau.
4. Diễn đạt vấn đề theo hướng tích cực:
Ví dụ bác chữa bệnh, thay vì nói “Tôi chưa làm chết ai” thì bác nói “Tất cả bệnh nhân của tôi đều khỏi bệnh và khỏe mạnh”. Mọi vấn đề cần được nói theo lối tích cực. Cũng là 5 ngày giao hàng. Bác không nên nói “Khoảng 5 ngày nữa bên chuyển phát mới giao hàng được”. Hãy nói “Chỗ anh thì chỉ 5 ngày là hàng đến nơi ạ”.
5. Dùng số đông để thuyết phục khách hàng:
Người Việt lạ ở chỗ, chả biết đúng sai nhưng cứ đông người làm thì làm theo. Với các vấn đề khách phân vân, ví dụ: Màu này có trẻ quá so với chị không em nhỉ? Bác hãy lấy số đông ra: Không đâu chị ạ, bên em có nhiều khách lớn tuổi hơn mà vẫn chọn màu này, mới đầu trông hơi lạ mắt nhưng khi các chị ấy mặc lên trông sang lắm ạ.
Chiến lược 2: Tăng số tiền mua hàng
Cái này đơn giản hơn cả, nhưng các shop rất lười làm. Các bác vào KFC ăn gà, sẽ thấy nhân viên KFC ai cũng được đào tạo mấy câu hỏi cửa miệng:
– Khách hàng gọi đồ xong, họ hỏi có muốn dùng thêm gì không?
– Khách hàng gọi thêm xong, họ hỏi bác muốn dùng combo không vì đang có khuyến mại?
– Khách hàng gọi combo xong, họ hỏi bác muốn đổi khoai tây nhỏ sang khoai tây lớn không vì giá chỉ nhỉnh hơn chút xíu?
– Khách hàng đổi khoai tây lớn xong, họ hỏi bác muốn thêm món tráng miệng không?
– Khách hàng lại gọi đồ tráng miệng, sau đó họ hỏi bác có thẻ thành viên chưa và có muốn làm thẻ không?
Tóm lại khách hàng phải kiên định lắm thì mới giữ nguyên được quyết định mua ban đầu, còn nếu không kiểu gì số tiền chi ra cũng tăng lên gấp đôi, gấp rưỡi dự định.
Vì thế chả tội gì mà mình không học hỏi họ, làm ra các chiêu thức kiểu như:
– Mua quần áo, giảm giá 50% phụ kiện
– Mua giày – giảm giá bít tất; Mua vest – giảm giá sơ-mi; Mua ví – giảm giá thắt lưng .v.v…
– Bán hàng theo combo, theo set (giá ưu đãi so với mua lẻ)
– Mua nhiều thì được tặng quà. Có người chỉ cần 2 chiếc quần lót, nhưng vì mua 4 được thêm 1 nêu cuối cùng họ về nhà với 5 chiếc.
– Sau khi khách quyết định mua, luôn gợi ý mua thêm món nữa vì hàng mới về rất đẹp, đợt sau sợ hết
– Hỏi han khách để mở rộng nhu cầu như: có vợ (chồng) chưa? Có con chưa? Có chơi thể thao không? Có hay đi dự tiệc không? … Hỏi mãi rồi cũng trúng cái gì đó, và bác gợi ý ngày: Vậy thì anh (chị) xem thêm dòng này hay lắm ạ.
– Bán chéo thêm các sản phẩm của người khác, hoặc cộng tác với người có cùng tệp khách hàng. (Bên em đã cung cấp bít tất cho rất nhiều cửa hàng bán theo lối này và khá hiệu quả vì bít tất chiếm diện tích ít, mỗi lần tiện khách mua vài đôi làm tăng thêm doanh thu của shop đó không kém một đơn hàng quần áo).
Chiến lược 3: Tăng số lần mua hàng
Người ta đã thống kê là chi phí kiếm một khách hàng mới gấp 4 lần chi phí bán lại cho khách hàng cũ, và em thấy nó chuẩn lắm. Trong ngành thời trang này, có khi nó còn gấp 5, 7 lần. Khi đã tin tưởng shop nào, khách hàng sẽ có xu hướng mua tiếp ở shop đó. Nhưng khổ nỗi các shop toàn chú ý đến khách hàng mới, nhưng với khách cũ thì rất thờ ơ.
Một khách hàng cũ quay lại không chỉ mua thêm nhiều hàng, mà còn rủ thêm các khách hàng khác nếu ta biết cách. Ở đây em xin chia sẻ vài chiến thuật cơ bản để tăng số lần mua hàng của khách như sau:
Việc đầu tiên là phải quản lý danh sách khách hàng
Muốn chăm sóc khách hàng cũ thì các bác phải có contact của họ cái đã, tốt nhất là lưu đủ thông tin về giới tính, chiều cao, cân nặng (bán online cái này rất có giá trị), địa chỉ, điện thoại và lịch sử mua sắm. Bây giờ hầu hết các phần mềm bán hàng đều có tính năng này, các bác bỏ ra khoảng 200k/tháng dùng thoải mái.
Nhắc khách mua hàng
Nếu khách nào lâu không thấy mua, nhiều khi không phải vì họ chán mình, mà vì họ bận quá, hoặc họ quên mất shop mình. Vì thế nhất định phải nhắc lại, nội dung nhắc luôn là một khuyến mại hoặc thông tin hấp dẫn nào đó, chớ SPAM. Các bác có thể dùng email, sms, Zalo, Facebook… nhiều cách để khéo léo nhắc khách nhớ đến mình.
Luôn có ưu đãi cho khách hàng cũ
Khách mua một lần cũng coi là khách quen, hãy giảm giá thêm cho họ. Các khách hàng thực ra rất khoái cảm giác được làm khách ruột, có ưu đãi riêng, nếu chủ shop nhớ được tên họ thì là tốt nhất.
Làm thẻ thành viên hoặc tích điểm
Tuy nhiên các bác lưu ý hình thức thẻ cứng hiện nay khá bất tiện vì khách có nhiều thẻ, mình vẫn in một cái thẻ thật đẹp để khách mang về làm kỷ niệm, nhưng chỉ căn cứ vào số điện thoại hoặc email để quản lý thành viên là tốt nhất. Khi đi mua sắm khách khỏi phải mang thẻ theo.
Chủ động chat, xin feedback của khách hàng
Bác nào bán qua Facebook thì làm việc này rất dễ, nếu họ chê thì xin lỗi, nói lần sau sẽ có ưu đãi, nếu khách khen thì vừa có feedback đăng lên page, vừa tiện đó nhờ khách giới thiệu cho bạn bè.
Tặng quà cho khách hàng nếu giới thiệu bạn bè đến
Cái này thực tế thường áp dụng được với các chị em công sở, vì cùng một cơ quan với nhau nên họ rất hay bàn tán với nhau về các địa chỉ ăn uống, mua sắm. Khi ai đó giới thiệu bạn đến, bác vừa khuyến mại cho khách mới lại có quà tặng cho khách cũ thì cả 2 đều vui vẻ. Tất nhiên, ta sẽ mất thêm khoảng 5 – 10% của đơn hàng đó, nhưng đừng đắn đo vì ta vẫn có lãi. Cái dở của một số shop là cứ phải bỏ ra một chút là xót, mà không biết rằng bỏ 3 đồng, bác thu về 10 đồng. Nếu không chịu bỏ thì lấy đâu ra 13 đồng để cho bác ngồi xót. Nếu so với chạy ads không ra đơn thì khuyến mại kiểu này ngon hơn rất nhiều.
Nhờ khách share ảnh lên Facebook, Instagram hoặc checkin để được giảm giá
Cái này cũng là một cách để họ nhớ về mình thôi, còn thực tế người Việt Nam ít khi share thật lòng, có người còn được giảm giá xong xóa luôn. Nhưng không sao, vì giảm giá đó trong chiến lược của mình rồi, 10 sẽ được 3, 4 cái có hiệu quả các bác ạ.
Như vậy chúng ta đã cùng đọc qua 3 chiến lược marketing tối ưu hóa doanh thu khi kinh doanh thời trang được đúc kết lại từ kinh nghiệm thực tiễn nhất.