Viễn cảnh kinh hoàng về sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona đang tạo nên một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới.
Điều này kéo theo rất nhiều hoạt động kinh doanh và doanh thu của hàng loạt công ty lớn lao dốc không phanh. Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, các chuyên gia đều đánh giá rằng nền kinh tế khó có thể trở nên bình ổn trong một sớm một chiều. Và đứng trước nguy cơ công ty không có lợi nhuận, nhà quản trị thường có tâm lý cắt giảm các khoản chi phí nhằm tiết kiệm tiền.
Chuyên gia Marketing Philip Kotler thấy rằng khi đến thời điểm phải cắt giảm, mảng tiếp thị dường như luôn bị “xử trảm” đầu tiên. Theo ông, hành động như vậy luôn là một sai lầm vì nó phá hủy thị phần và sự đổi mới của công ty. Bởi khi cắt chi phí tiếp thị, bạn đang nhường chỗ cho đối thủ cạnh tranh gửi đi trước các thông điệp của họ và giành được thị phần lớn hơn, trong khi thị phần của bạn ngày một mất dần.
Philip Kotler cũng đã chỉ ra ba lỗi nghiêm trọng cần tránh trong hoạt động tiếp thị, trước bối cảnh kinh tế hỗn loạn, nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển trong tương lai của doanh nghiệp.
1. Mở rộng để thu hút các khách hàng mới trước khi đảm bảo khách hàng cốt lõi
Cố gắng mở rộng sản phẩm hoặc dịch vụ chính của bạn để chiều lòng nhiều khách hàng hơn là một điều đầy rủi ro. Rất có khả năng bạn sẽ khiến những khách hàng tốt nhất và trung thành nhất của bạn cảm thấy kém hài lòng, tạo thêm một lý do nữa để họ cân nhắc mua hàng từ đối thủ cạnh tranh của bạn.
2. Cắt giảm chi phí tiếp thị
Ngân sách dành cho tiếp thị ở các nền kinh tế yếu hoặc hỗn loạn cũng như nước ở giữa sa mạc khô cằn – càng khan hiếm thì số lượng mà bạn sở hữu càng trở nên giá trị hơn. Việc loại bỏ tiếp thị càng giúp các đối thủ cạnh tranh quyết liệt của bạn – những người không cắt giảm – cướp đi những nguồn khách hành tuyệt vời nhất của bạn.
3. Dừng phát triển sản phẩm mới
Chúng ta đang sống trong thế giới thông tin không ngừng nghỉ kéo dài suốt 24/7. Khi tin tức nổ ra, mọi người đều có thể nắm bắt được chúng, bao gồm cả khách hàng của bạn. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, đặc biệt là khi sự nhiễu động và hỗn loạn ngự trị, khách hàng và toàn bộ các bên liên quan của công ty đều biết rằng việc kinh doanh không suôn sẻ. Tảng lờ sự thật này, hoặc tệ hơn là không cập nhật thông tin cho họ là một hành động nguy hiểm.
Không đầu tư vào phát triển sản phẩm chắc chắn sẽ làm cản trở việc tạo dựng giá trị trong tương lai cho công ty và các cổ đông. Khi công ty phớt lờ hoặc giảm tầm quan trọng của việc nghiên cứu sản phẩm nhằm nỗ lực tiết kiệm tiền, điều đó không chỉ hạn chế sự tăng trưởng tiềm năng mà còn làm sự đổi mới trở nên ì ạch và trao lợi thế cho đối thủ.